Cá diếc luôn có mặt trong các vùng sông nước của Việt Nam. Để câu cá diếc hiệu quả, bạn cần chuẩn bị thật kĩ lưỡng. Và dưới đây là bật mí những kinh nghiệm để câu thành công loài cá này.
Câu cá diếc thường được tiến hành từ mùa thu năm trước đến mùa xuân năm sau. Nhiều người cho rằng vào mùa đông khó có thể câu được diếc. Song, thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Để câu diếc thành công, xin mời bạn tham khảo những bật mí nhỏ dưới đây.
- Chọn địa điểm
Dựa trên đặc tính của loài cá này, bạn có thể thả cần tại các địa điểm câu cá diếc – nơi có nhiều cỏ, bèo hay đáy bùn. Đồng thời, chọn câu ở vị trí gần bờ, sâu khoảng 1 – 1,5m là ổn.
Bạn cũng nên chọn những điểm câu êm, tránh xa các điểm có dòng nước chảy xiết. Quan trọng hết là nên xác định chính xác nơi kiếm ăn thường xuyên của loài cá này để gia tăng hiệu quả đi câu. Cá diếc vốn ưa nước sạch, nên nước ô nhiễm là chúng không sống nổi.
Về cơn bản, cá diếc cùng là họ hàng với cá chép, từ hình dáng cho đến đặc tính kiếm mồi, sinh sản, đều khá giống nhau. Cá diếc nhỏ hơn cá chép, màu trắng, không có râu, nhưng chúng hay sục mồi ở đáy bùn, ăn rễ cây, thủy sinh thân mềm, phù du, vụn ngũ cốc… Vì thế, dễ hiểu là mồi bột câu cá chép hoàn toàn có thể câu cá diếc. Và ở một số ao hồ, mồi bột còn hiệu quả hơn mồi giun.
- Chọn lưỡi và phao câu
Câu cá diếc người ta hay dùng loại lưỡi nhỏ như câu cá rô đồng. Câu cá diếc thường theo hình thức câu đáy nên chì dùng chỉ lá cuốn cách lưỡi câu khoảng 1,5m và phải có đủ sức kéo chìm phao.
Phao câu con cá diếc thường được dùng là các loại phao nhỏ, nhẹ, được làm bằng lông cánh ngỗng để dễ nhận biết tín hiệu cá cắn câu.
- Mồi câu
Cá diếc có thói quen ăn mồi gần giống cá chép. Để câu cá diếc hiệu quả và đơn giản, mồi câu cá diếc cũng cần phải hấp dẫn. Trộn thính câu cá diếc, bạn có thể dùng những nguyên liệu sau: Cám xay rang vàng trộn với đất tại điểm câu. Trộn tất cả nguyên liệu lại với nhau, thêm một ít mè làm tăng mùi thơm, trộn cho đến khi hỗn hợp sánh đều và có mùi thơm rang là được. Cá diếc dễ bị hấp dẫn bởi các mùi thơm của con mồi và chúng có thể táp bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, mồi câu thường được sử dụng chính là trùng đỏ (hay còn gọi là giun đỏ).
- Kỹ thuật câu
Theo cách câu truyền thống, người ta thường chọn cần câu bằng trúc thẳng và mềm, dây cước cũng rất nhỏ và mềm được buộc một lưỡi câu nhỏ có ngạnh. Phía trên lưỡi câu khoảng 3cm được gắn mẩu chì nhỏ. Phao bằng lông gia cầm màu trắng. Mồi câu là loại giun đỏ và nhỏ (thường được nuôi bằng phân trâu mục). Mồi nhử là cám rang.
Cách câu cá diếc hiện đại cũng hiệu quả hơn, đó là câu tay thẻo đôi kiểu Đài Loan (câu đài), trừ trường hợp gặp chỗ nước quá nông. Lý do chỗ nước nông không nên áp dụng câu đài, là vì phao kiểu câu đài hơi dài (từ 20cm – 40cm). Tuy nhiên, cá diếc ưa chỗ nước sâu từ 1m trở lên, nên nói chung câu đài rất hiệu quả. Cá diếc hay đi theo đàn, rất thường xuyên câu lên cả đôi cá, mỗi con nuốt một lưỡi câu. Một ưu điểm nữa khi câu đài đó là vê mồi nhanh hơn, sạch sẽ.
Con cá diếc, giống như cá chép, mồm chúng luôn hớp hớp tạo chênh lệch áp suất, tạo ra một lực hút như dòng chảy để thức ăn tự chui vào mồm chúng. Khi vào mồm rồi, con cá sẽ nhằn những vật cứng hoặc những thứ mà chúng không thích ra, chỉ giữ lại những thứ hợp khẩu vị chúng. Thường lúc đó, chúng sẽ ngửa đầu thả bong bóng và để dễ nuốt mồi vào bụng. Đó là lý do tại sao cái phao bềnh lên. Còn những cái nhún nhè nhẹ của phao chính là lúc lực hút chưa đủ kéo miếng mồi vào miệng con cá, miếng mồi chỉ khẽ đung đưa, khiến cái phao lay động.
Trên đây là những bật mí nhỏ để câu cá diếc hiệu quả. Mong rằng những thông tin này hữu ích với bạn. Chúc bạn câu diếc thành công!