Cần mua những dụng cụ hay phụ kiện như nào để có được bộ đồ nghề câu đài hoàn chỉnh? Dưới đây là một số thông tin sẽ giúp ích cho bạn.
Đồ nghề câu đài là chủ đề được những bạn mới chơi quan tâm rất nhiều. Nói về dụng cụ câu đài thì thường có nhiều sự lựa chọn. Hôm nay, VUADOCAU xin giới thiệu tới bạn những món đồ cơ bản và hữu dụng nhất nhé!
- Thùng câu đài
Thùng câu đài thực chất là loại thùng giữ nhiệt. Song, để việc đi câu trở nên thuận lợi, trên thùng gắn thêm gác cần, gác rọng, gác mồi,… Ngoài ra, còn có thiết kế chân địa hình để phù hợp với những điểm câu không bằng phẳng. Bạn cũng hoàn toàn có thể ngồi tựa lưng vào thùng cho đỡ mỏi.
Để lựa chọn thùng câu đài phù hợp các bạn nên để ý tới một số yếu tố kỹ thuật. Thông thường, với dung tích thùng nên chọn 28-29L là phù hợp. Ưu tiên chọn những sản phẩm có chân địa hình cứng và dài. Ngoài ra, tuỳ thuộc vào giá tiền mà chất nhựa có thể cứng hoặc bền hơn. Các phụ kiện về tựa lưng hoặc các ngăn có thể làm người mua thấy thích, nhưng khá bất tiện khi vệ sinh và di chuyển.
- Cần câu đài
Cần câu đài hay còn gọi là cần câu đơn, cần câu tay. Cần câu đài có nhiều kích thước khác nhau, từ 1.8m, 2.7m, 3.6m, 3.9m. 4.5m, 4.8m, 5.4m…. đến 10m. Với rất nhiều thiết kế về độ cứng khác nhau.
Độ cứng được tính theo phân bổ lực 1 9, hoặc 2 8… và phụ thuộc vào đường kính ngọn cần (hay gọi là đường kính đọt cần). Độ cứng của cần câu đài còn được định nghĩa theo thông số 3H, 3.5H, 4H, 5.5H, 6H, 7H, 8H, 9H, 10H. Tuỳ theo hãng cần và theo cách sử dụng cần, thi đấu hay câu tự nhiên mà tính thông số độ cứng phù hợp. Bản chất chúng ta vẫn phải căn cứ theo đường kính ngọn và phân bố lực để tính được ra độ cứng.
- Gác cần câu
Đây là dụng cụ được gá 1 đầu vào thùng câu đài, hoặc ghế câu. Và 1 đầu kéo dài ra phía ổ câu để gác cần lên, giúp người ngồi câu có điểm đặt cần không phải liên tục cầm cần trên tay. Gác cần câu đài cũng có nhiều dạng khác nhau, Có thể phân ra làm 2 loại:
- Gác cần câu tự nhiên, câu săn hàng: Thường có chiều dài từ 2.1m đến 2.4m. Và trên gác cần có ngoe chống cần. Khi câu săn hàng và câu tự nhiên cá thường ít và không quá áp lực về tốc độ câu bởi vậy người câu có thể đặt cần lên gác cần để có thể thao tác những việc khác.
- Gác cần tốc độ: Thường dùng trong thi đấu hoặc câu tốc độ. Gác cần thường chỉ dài 60-80cm. Không có ngoe chống cần. Do là câu tốt độ bởi vậy người câu luôn phải cầm cần, chỉ tì một phần cần lên gác cần để có điểm tựa.
- Rọng đựng cá
Đây là dụng cụ câu đài không thể thiếu trong bộ đồ nghề. Dụng cụ này đóng vai trò giúp gỡ cá nhanh, chứa được nhiều cá, không vướng hay cản trở các thao tác trong khi câu.
Rọng cá thường có nhiều kích thước và độ dài khác nhau. Tuỳ theo độ cao của vị trí ngồi so với mực nước mà người câu chọn rọng cá phù hợp.
- Ô ngồi câu
Để tránh những tác động của thời tiết như nắng hay mưa, ô câu/dù câu là một trong các phụ kiện đồ câu đài không thể thiếu. Ngày nay, ô/dù câu không chỉ là những chiếc ô thông thường. Nó được thiết kế với cán dài, các khớp nối linh hoạt có thể bẻ được nhiều hướng để che.
Ô/dù câu đài cũng có thể có phụ kiện chân để cắm đất với các nền đất mềm, hoặc gắn trực tiếp lên thùng câu đài. Vật liệu thiết kế ô/dù cũng rất đa dạng, từ bình dân, tới cao cấp. Thông thường, được làm từ carbon, phíp, hoặc hợp kim nhôm. Hãng phụ kiện sản xuất đồ câu nào cũng có sản xuất ô/dù câu đài. Tuỳ theo “hầu bao”, bạn có thể lựa chọn những sản phẩm phù hợp.
Trên đây là những đồ nghề câu đài bạn có thể tham khảo và mua sắm cho mình. Tất nhiên là còn cần thêm những phụ kiện khác nữa, như ghế câu,…. Song, gợi ý trên là những đồ dùng cơ bản và cần thiết nhất. Hi vọng, những thông tin này giúp bạn phần nào khi nhập môn vào nghề!