Câu lục là một trong những kiểu câu đòi hỏi người cần thủ phải có đầy đủ các kỹ năng. Không giống như các kiểu câu khác, câu lục là 1 trong những kiểu câu vô cùng linh hoạt và yêu cầu tập trung cao độ với người chơi môn này. Bài viết này xin giới thiệu kỹ thuật câu lục cho các bạn mới nhập môn.
Kỹ thuật câu lục giờ đây đã được phát triển và đa dạng hơn so với cách câu ngày xưa. Ngày nay, câu lục phổ biến ở nhiều dạng câu: câu lục giật, câu lục bềnh, câu lục chà bèo. Hôm nay, VUADOCAU xin chia sẻ kỹ thuật câu này tới bạn sao cho đạt hiệu quả nhé!
- Câu lục tỳ
Bất cứ ai câu lục cũng hiểu nôm na rằng cá tỳ phao thì cần thủ sẽ tóm dây cước rồi cầm cần giật cho lưỡi đóng vào cá. Nhưng, với cần thủ câu lục lâu năm thì sẽ hơi khác một chút. Không phải lúc nào thấy phao chuyển động là họ cũng giật, bởi họ có kỹ năng đọc phao. Khi câu, họ nhìn phao và tăm cá ở ổ thính, họ cũng phán đoán được là cá gì vào ổ, cá tỳ ở bộ phận nào, cá to hay cá bé,…sau đó người câu sẽ tự quyết định là có giật hay là không.
Kỹ thuật câu lục tỳ thường hay động ổ sau mỗi lần giật trúng hay trượt, ít khi bắt được cá to và đặc biệt nhất là rất hiếm khi bắt được những con cá to đã từng vài lần bị “ăn đòn”.
Thông thường, thính câu lục là những dạng bột được trộn lẫn với nhau như: cám gạo, thính đậu tương rang, các loại mồi câu tổng hợp có sẵn,… Những loại thính bột tạo mùi thơm, chua. Khi thả thính xuống nước thì thính sẽ được hòa tan vào trong nước tỏa hương và dẫn dụ đàn cá đến vây quanh ổ thính. Cá đi xung quanh ổ thính hút mồi vô tình chạm vào dây sẽ tác động phao ở phía trên cho cần thủ biết. Người câu cũng hiểu rõ rằng khi thả thính xong thì luôn có cá bé vào xơi mồi đầu tiên, tiếp sau đó là những con cá ham ăn như cá được nuôi công nghiệp. Nhưng, những con cá to và sống trong hồ từ lâu thì lại vô cùng thận trọng. Chúng luôn đứng bên ngoài dò xét, cảnh giác và chờ đợi đàn cá bé ăn xong nếu không có động tĩnh gì thì chúng mới mon men vào ăn. Khi chúng vào ăn cũng là lúc thính đã tàn vì bị đàn cá bé và cá công nghiệp xơi hết. Chúng sẽ vào nhặt nhạnh những gì còn xót lại của ổ thính đã tàn.
- Câu lục bềnh
Là một trong những dạng câu lục được dân câu biến thể trong 1-2 năm trở lại đây. Câu bềnh là cách câu sao cho bắt 10 con cá mà 10 con phải dính lưỡi ở mặt.
Câu lục bềnh là cách câu trong câu lục nhằm phân loại cá khi câu, tránh cá con, chỉ bắt dược cá lưu trong hồ chứ ít khi bắt cá mới và đánh vào tập tính của con cá.
Phao câu lục bềnh có độ nổi vô cùng lớn, độ nổi sẽ lơn hơn phao câu tỳ. Câu bềnh thì câu bằng cỡ lưỡi nào thì phải cân riêng với 1 quả phao thích hợp để câu với bộ lưỡi đó.
Cân phao bềnh khác với cân phao cho câu lục tỳ: Câu tỳ thì ta chỉ cân phao và lưỡi sao cho lưỡi kéo chìm được phao là được. Nhưng với câu bềnh, thì việc cân phao với lưỡi lại vô cùng quan trọng và kỳ công. Bạn phải cân tất cả những gì có trên một đường dây câu và cân làm sao khi treo tất cả mọi thứ vào phao bao gồm: lưỡi, 2 khóa (khóa dây trục và khóa chân phao) làm sao khi thả vào ống nước hoặc bể cá mà lưỡi không chạm đáy. Phao không chì mà chỉ còn mỗi đầu mũ phao nổi trên mặt nước. Khi căn chỉnh độ sâu để lưỡi chạm đáy thì phao mới nổi lên.
- Điểm khác nhau giữa câu lục tỳ và câu lục bềnh
Câu lục tỳ thì thính chủ yếu là thính bột. Con cá vào ổ thính chủ yếu là vờn quanh ổ thính để hút những thức ăn trong nước rồi vô tình chạm vào dây câu. Khi câu khó loại bỏ được cá con vào phá ổ thính, ít khi bắt được cá to vì cá con và cá công nghiệp phá ổ. Câu lục tỳ khi giật cá sẽ luôn động ổ khiến cho đàn cá hoảng loạn khiến người câu ít khi bắt được nhiều cá, tỉ lệ mất cá cũng cao vì lưỡi đóng ở một vài bộ phận trên người cá không chắc. Người câu luôn phải tập trung cao độ và cầm cần liên tục.
Với kỹ thuật câu lục bềnh thì thính chủ yếu là các loại ngũ cốc, bắt con cá phải cắm mặt xuống để nhặt thức ăn dễ cắm mặt vào lưỡi câu. Loại bỏ được cá con vào phá ổ, chủ yếu là bắt cá sống lâu năm trong hồ vì cá con và cá công nghiệp đa phần thích các loại thức ăn dạng bột có mùi thơm. Đặc biệt nhất là chuyên để trị những con cá tinh ranh. Ít bị động ổ khi đóng cá, người câu khéo sẽ có cách vuốt cần khiến con cá bị dính lưỡi câu sẽ không hoảng loạn để động đàn cá xung quanh. Lưỡi được bám chặt từ cằm và mồm cá (bộ phận mềm trên người cá). Với những người câu có kinh nghiệm khi dòng cá sẽ luôn vật cần sang 2 bên để toàn bộ các lưỡi bám hết vào cá. Dễ khâu toàn bộ mồm cá khiến con cá khó hô hấp sẽ khiến chúng nhanh mệt hơn. Tỉ lệ mất cá thấp hơn câu lục giật vì lưỡi câu được bám chắc ở phần mềm và lưỡi, dễ xuyên vào cá hơn câu giật lưỡi câu đóng ở các vị trí lung tung. Nhược điểm của câu lục bềnh là đòi hỏi người câu phải có kỹ năng dìu cá tương đối tốt và khéo léo. Người câu ít phải tập trung cao độ hơn là câu lục giật.
Bài viết trên chỉ là những thông tin cơ bản trong kỹ thuật câu lục. Ngoài ra còn vô vàn những điều khác mà chúng ta chưa khám phá hết. Anh em có thêm thông tin vui lòng chia sẻ cùng chúng tôi nhé!