Mồi câu là một trong các yếu tố quan trọng bậc nhất trong môn câu đài. Mồi câu có rất nhiều dạng khác nhau. VUADOCAU xin giới thiệu về mồi câu đài cho bạn đọc cùng hiểu sâu hơn.
Mồi câu đài khá phong phú và đa dạng, phụ thuộc vào loài cá, cách câu, thời tiết,… Có bao nhiêu loại mồi câu? Đặc tính của mồi câu kiểu đài có gì đặc biệt? Mình cùng tìm hiểu nhé các bạn!
- Phân loại mồi câu kiểu đài
- Mồi dụ: Là các chất hữu cơ và chất hóa học có tác dụng đặc biệt trong việc kích thích mãnh liệt khứu giác của cá. Tan nhanh khi xuống nước và nhanh chóng thu hút cá ở xung quanh vào ổ câu.
- Mồi tụ: Sau khi thu hút cá vào ổ câu bằng mồi dụ, mồi tụ sẽ khiến cho cá ở lại trong ổ câu. Ví dụ, người ta hay dùng hạt kê ngâm trong rượu khúc, rượu khúc chính là mồi dụ và hạt kê chính là mồi tụ. Sau khi cá bị thu hút vào ổ câu nhờ vào mùi hương của rượu khúc, cá sẽ ở lại ăn hạt kê, do hạt kê rất nhỏ, cho nên trong thời gian ngắn, cá sẽ ăn không no và sẽ tụ lại trong ổ câu dài hơn.
- Mồi câu: Ngày nay, mồi câu của cách câu đài ngoài việc phải dụ được cá, khiến cho cá ở lại trong ổ lâu hơn, còn phải có chức năng dính được cá. Nếu không, dụ không được cá nên không dính cá, có khi dụ được cá nhưng giữ cá ở lại không được, thậm chí giữ được cá ở lại nhưng cá không ăn mồi, vì vậy sẽ không dính cá.
- Đặc tính của mồi câu
Trạng thái mồi câu bao gồm độ cứng mềm, trọng lượng, sương mù hóa, độ tan và độ bám lưỡi. Trạng thái của mồi câu tốt thì phải phù hợp với tình hình cá. Giai đoạn mới bắt đầu câu, tính sương mù hóa của mồi câu tốt có lợi trong việc phát tán mùi vị nhanh chóng để thu hút cá.
Trong câu lửng, nếu sử dụng mồi có trọng lượng nhẹ, độ sương mù hóa tương đối nhanh với sự trương nở theo chiều ngang và chiều dọc thích hợp, sẽ có lợi trong việc thu hút cá từ tầng dưới bơi lên và khiến cá ổn định tại một tầng nước nhất định. Tuy nhiên, tốc độ sương mù hóa quá nhanh sẽ thu hút quá nhiều cá và loạn tầng cá. Đặc biệt, tại khu vực có nhiều cá con, sương mù hóa nhanh quá không những không thu hút được cá lớn vào ổ mà kết quả là một bầy cá nhỏ phá mồi. Sương mù hóa quá độ sẽ làm giảm độ bám lưỡi và sẽ cho tín hiệu của phao không thật. Trường hợp này nên bóp cho mồi hơi dẻo, làm giảm tính sương mù sẽ có kết quả tốt hơn.
Điều quan trọng là phải phân biệt rõ 3 tính chất của mồi câu là tính sương mù hóa, tính tan và tính bám lưỡi. Sương mù hóa là chỉ mồi câu trong quá trình chìm xuống nước, một số phân tử nhỏ tách ra khỏi mồi câu và hòa tan trong nước, và tạo nên một khu vực như sương mù từ trên xuống dưới trong quỹ đạo chuyển động của mồi câu, cũng có thể hiểu đơn giản là một cái đuôi dạng sương mù nối sau mồi câu. Tính tan là hiện tượng mồi câu sau khi rơi đến điểm câu, mồi câu sẽ tan dần dần từ ngoài vô trong dưới tác dụng của nước. Độ bám lưỡi chỉ khả năng mà mồi câu còn dính lại trên lưỡi câu.
- Tính sương mù hóa: Sự đúng đắn trong việc khống chế tính sương mù hóa của mồi câu phải căn cứ vào tình hình cá mà khiến cho mồi câu thể hiện tính sương mù hóa ở những mức độ khác nhau.
Thông thường, khi câu những loại cá lớn như là cá chép hay cá trắm cỏ, phải làm sao để cho mồi câu sương mù hóa ít ở tầng đáy, có những trường hợp không sử dụng mồi câu có tính sương mù hóa sẽ cho kết quả tốt hơn. Khi câu cá mè, nên sử dụng mồi câu có tính sương mù hóa càng nhiều càng tốt, nhất là trong gian đoạn đầu khi thu hút cá. Sau khi đã thu hút được bầy cá thì nên sử dụng mồi dẻo một tí và giảm tốc độ sương mù hóa.
Điều cần phải nhớ là trong giai đoạn đầu dụ cá thì sử dụng mồi có tính sương mù hóa nhanh, khi câu bình thường thì độ sương mù hóa phải thích hợp. Tính sương mù hóa nhanh khi câu lửng và chậm khi câu đáy, cá ăn bình thường thì tốc độ sương mù hóa có thể nhanh tí, cá ăn khôn thì sương mù hóa chậm tí. Khi tầng cá ổn định thì tốc độ sương mù hóa nên nhanh, khi có nhiều tầng cá không ổn định thì tốc độ sương mù hóa phải chậm. Câu nơi nước sâu thì sương mù hóa chậm và nơi nước cạn thì tốc độ sương mù hóa nhanh. Không có một tiêu chuẩn cố định về tốc độ sương mù hóa, phải dựa vào tình hình cá cụ thể mà quyết định.
Có vài cách để khống chế tốc độ sương mù hóa: Thứ nhất là, tăng giảm tỉ lệ phụ gia có tính chất sương mù hóa khi trộn mồi câu. Thứ hai là, số lần nhồi mồi ít thì tốc độ sương mù hóa nhanh, nhồi mồi nhiều thì sương mù hóa chậm. Thứ ba là, khi thêm nước ít thì mồi cứng và sương mù hóa chậm, thêm nước nhiều thì mồi mềm và tốc độ sương mù hóa nhanh.
- Tính tan:
Khi câu cá lớn, mồi câu có độ tan thích hợp thì lợi nhiều hơn hại. Thức ăn chủ yếu của cá lớn trong tự nhiên là những động thực vật vỡ vụng, nếu mồi câu quá cứng và dai thì sẽ khiến cho cá hoài nghi, cho nên mồi câu có độ tan nhất định, cá sẽ ăn những phân tử bị tách ra khỏi mồi câu trước và vô hình chung sẽ nuốt mồi câu và bị mắc câu. Nếu ta làm mồi câu quá cứng, thì sức thu hút cá vào ổ câu sẽ giảm, mồi câu cứng sẽ bất lợi cho việc cá nuốt mồi và lưỡi câu khó mà đâm xuyên qua mồi câu để móc vào miệng cá.
Mồi câu có tính sương mù hóa tốt thì khi xuống nước, quá trình sương mù hóa và tính tan kết hợp với nhau, khó mà phân biệt. Cũng có nghĩa là tính tan của mồi câu bị tính sương mù hóa che phủ. Phải căn cứ vào tình hình cá và độ sâu của hồ câu mà điều chỉnh độ tan của mồi câu. Thông thường, nước sâu, cá nhỏ nhiều, cá thưa, cá khôn thì tốc độ tan nên chậm lại. Không có một tiêu chuẩn thống nhất về tốc độ tan của mồi câu, thông thường thì mồi câu tan rã hoàn toàn trong vòng 3 phút là được.
Có thể thêm một số phụ liệu trong mồi câu như bột năng, bột gạo hay bột kéo sợi để hạn chế tốc độ tan của mồi câu. Thêm hạt ngô/bắp vụn, lúa mạch để gia tăng tốc độ tan của mồi câu. Kỹ thuật pha chế là một khâu quan trọng trong việc khống chế độ tan của mồi câu, nhồi nhiều lần hay cho ít nuớc đều làm cho tốc độ tan của mồi câu chậm lại.
- Tính bám lưỡi: Độ bám lưỡi không phải là điều kiện tiên quyết để dính được cá. Ngày nay, kỹ thuật câu đài là phương pháp thống nhất mồi câu và mồi xả, nếu chỉ chú trọng đến độ bám lưỡi mà không quan tâm đến khâu xả mồi là không được.
Độ bám lưỡi nên căn cứ vào tình hình cá mà hợp nhất với tính sương mù hóa và độ tan của mồi câu. Có như thế thì thông qua một bộ phận mồi câu bị sương mù hóa và tan rã để cho mồi câu còn sót lại bám trên lưỡi câu làm nhiệm vụ dính cá. Đó chính là thông qua một lượng lớn mồi câu bên ngoài bị tan rã để mà thu hút cá ăn mồi câu bên trong. Từ đó, gặt hái được một số gợi ý cho việc câu câu cá lớn. Thông qua điều chỉnh độ tan rã của mồi câu và độ nhạy của bộ thẻo câu, lưỡi câu còn sót lại một tí mồi câu trộn trong đống mồi câu bị tan rã. Đó là cách câu cá lớn, cá bị mắc lừa và bị dính câu.
Cuối cùng là việc điều chỉnh trạng thái mồi câu, điều này phụ thuộc vào cách lên mồi câu. Trong trường hợp mồi kéo sẽ nhanh sương mù hóa và tan nhanh hơn mồi vo, có người trong lúc quan sát phao hay cầm mồi câu trong tay chơi và vô hình chung làm cho tính sương mù hóa và tính tan của mồi câu bị giảm đi. Mồi câu chế biến xong chỉ là bán thành phẩm và thủ thuật lên mồi là một tiến trình gia công thêm cho mồi câu. Cho nên, căn cứ tình hình cá mà sử dụng thủ thuật lên mồi thích hợp là một yếu tố rất quan trọng.
Mồi câu đài đúng chuẩn là sự kết hợp hài hòa của ba yếu tố: tính sương mù hóa, tính tan và tính bám lưỡi. Thêm vào đó là sự điều chỉnh trạng thái của mồi câu. VUADOCAU hi vọng những thông tin trên hữu ích cho bạn. Chỉ cần có kiến thức nền căn bản, kiên trì và kinh nghiệm sau mỗi chuyến câu, bạn sẽ sớm trở thành cần thủ chuyên nghiệp. Chúc bạn sớm thành công!