Phao câu cá là một trong những vật dụng không thể thiếu của các cần thủ. Song, có quá nhiều loại phao làm cho những người mới không khỏi ngỡ ngàng. Sau đây, VUADOCAU sẽ giúp bạn chọn được cho mình loại phao phù hợp.
Phao câu cá có nhiệm vụ chính là báo hiệu cho người câu thời điểm cá đã cắn mồi. Để chọn loại phao hiệu quả, ngoài việc chọn phao sử dụng đúng hoàn cảnh thì chọn phao cần dựa trên điều kiện tự nhiên nơi đang câu như: độ sâu, dòng chảy, sức gió,… và loại cá muốn câu. Nào! Hãy cùng VUADOCAU tìm hiểu chi tiết bạn nhé!
Mỗi loại phao thích hợp cho từng kiểu câu, giống cá khác nhau.
- Cấu tạo của phao
Thông thường, một chiếc phao câu sẽ bao gồm 4 phần chính, như sau:
- Cần phao: Là chi tiết cố định được sản xuất bằng chất liệu thanh sợi thủy tinh. Ưu điểm của loại cần phao này đó là thẳng, bền bỉ và tiết diện nhỏ. Không chỉ vậy, các loại cần phao điện cũng dùng chất liệu này cấu tạo lõi, dây đồng dẫn diện quấn xung quanh phao. Và phủ ngoài bằng keo bảo vệ hoặc quấn chỉ.
- Bầu phao: Chất liệu chính hay dùng để tạo nên bầu phao sẽ có chung đặc điểm là nhỏ hơn nước điển hình như gỗ li-e, xốp ép, gỗ balsa, gỗ gòn. Bầu phao lục có thể nhỏ, có thể to nhưng luôn thiết kế hình giọt nước.
- Chân phao: Đối với phao lục đầu cần thì chất liệu giống như cần phao. Nhưng, chân phao được vuốt nhọn, tác dụng để lắp đặt vào vị trí gắn phao. Phao lục xa bờ thì phần chân phao này làm từ thanh kim loại tròn, bọc chì một lớp bên ngoài giúp đạt trọng lượng thích hợp, thuận tiện cân phao. Chân phao có gắn thêm khuyên cố định bộ phận gắn phao chạy.
- Mũ phao: Được các hãng làm từ xốp, màu sắc sặc sỡ nổi bật dễ dàng nhận biết. Hình dạng mũ phao tùy thuộc cách câu và từng loại.
Ngoài ra, một số loại khác còn được gia cố thêm bộ phận gắn chân phao.
- Kinh nghiệm chọn phao:
Để chọn phao câu thực sự hiệu quả, bạn nên lựa chọn loại phao phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện tự nhiên của địa điểm câu.
- Đối với vùng nước ở các kênh đào
- Với trường hợp dòng chảy ổn định:
Độ sâu nước từ 1-3 mét, kỹ thuật câu gần bờ.
Nước chảy đều nhẹ nhàng, ít có thay đổi về dòng chảy và tốc độ.
Gió nhẹ hay lặng gió, nhìn chung đây là một điều kiện đi câu lý tưởng.
Cách chọn phao có sức tải từ 0.15g – 0.90g. Chân phao rất ngắn, chỉ để kẹp cước câu. Cách cột chì xuyên tâm là tối ưu nhất đối với cá háu ăn và dạn mồi. Hoặc chì bấm dành cho cá nhát mồi, và kẹp chì có khoảng cách xa đều nhau.
Phao không bị dao động nhiều do gió hay lực nước. Cá sẽ sục và đớp mồi và nâng lên mặt nước một cách từ từ. Khi đó, phao sẽ nổi lên cao hơn và nằm nghiêng theo sức nặng của đầu phao.
Trường hợp thứ hai khi cá đớp mồi trong khi thẻo câu đang chìm, phần ăng ten phía trên phao sẽ nhô ra ngoài mặt nước nhiều hơn bình thường.
- Với trường hợp gió to, nước chảy mạnh:
Sức gió: Gió thổi khá mạnh và liên tục, hoạt động gần sát mặt nước và tạo nhiều sóng.
Độ sâu, loại cá muốn câu, sức nước chảy, cách ráp chì: Tương tự trường hợp trên.
Loại phao sử dụng: Phao hình giống trái lê, chân phao dài chất liệu inox giúp ổn định tốt trong nước. Lực tải chì từ 0,15g đến 1,2g.
Thân phao quả lê này ngắn và có phần chân dùng chất liệu kim loại cấu thành nên ít bị gió và sóng lớn ảnh hưởng đến so với phao thon dài. Nhưng nhược điểm lớn nhất của loại này đó là khó phát hiện ra dấu hiệu cá cắn câu. Tuy nhiên, đây là lựa chọn tốt nhất và duy nhất cho cần thủ nếu bạn đi câu trời gió mạnh.
- Đối với vùng kênh, sông có kích thước rộng
Áp dụng kỹ thuật câu đáy với độ sâu từ 3-5 mét. Dòng chảy không ổn định, nhanh chậm khác nhau. Có thể thay đổi theo ngày đi câu, cũng như ngay trong một buổi câu. Sự ổn định của dòng chảy trong sông là khó đoán được.
Nên chọn phao có dạng hình tròn giống quả lê. Có chân phao cũng bằng kim loại chịu tải chì từ 0,15-1,3 gr. Ráp chì kẹp với khoảng cách đều nhau.
Tiếp tục tận dụng sức nặng của mồi câu và chì câu ở sâu trong nước. Giữ cho phao có vị trí nổi ổn định, thân phao có bề mặt tiếp xúc với nước rộng hơn nên cũng nhô cao hơn.
- Đối với vùng sông nước chảy chậm
Ở độ sâu từ 3m – 6m, nên chọn phao câu có thân phềnh lớn ở dưới. Phần chân phao bằng kim loại dài từ 2-5 cm. Đủ chịu chì câu từ 1,5-3 gr, vì áp lực nước lớn nên phần chì câu sẽ nặng hơn.
Cách ráp chì với phao câu có lực tải chì từ 1.5-2g, cần bấm chì tập trung từng nhóm. Chia 4-5 đoạn khác nhau, do áp lực nước mạnh hơn khi câu ở độ sâu này. Ở trường hợp này, bạn cũng phải buộc chì nhiều hơn, nặng hơn giúp cho mồi chìm sâu hơn. Đối với phao có lực tải chì từ 2g trở lên thì sử dụng chì xuyên tâm và bấm thêm chì nhỏ có khoảng cách.
- Đối với vùng nước sông
Loại phao sử dụng: Phao hình tròn bầu dục thân ngắn, chân phao dài làm từ inox kèm sức tải chì từ 3g- 15g.
Ráp chì: xuyên tâm hình ô liu hoặc bấm chì tập trung. Ở độ sâu từ trên 6 mét, trong lòng sông chì câu và mồi câu bị tác động mạnh từ lực đẩy của nước. Cũng như áp lực dòng chảy nên muốn có sự ổn định cao. Chì sẽ được bổ sung nhiều hơn, dày hơn nhưng phải buộc đều.
- Đối với vùng ao, hồ
Phao thuôn dài dùng khi vắng gió hay khi sóng gợn lăn tăn trên mặt nước. Khi gió mạnh tạo sóng lớn, dòng chảy ngược dưới đáy thì bạn cần phải thay phao dài bằng phao có thân ngắn tròn và bầu dục.
Ráp chì: Trừ khi là cá háu mồi, bấm chì rải rác là thích hợp nhất để đạt thu hoạch cao, đặc biệt trong trường hợp màu nước rất trong.
Khi thời tiết tốt, phao thuôn dài thích hợp vì tính nhạy của nó giúp bạn nhận biết nhanh cá cắn câu lúc mồi đang chìm hay khi cá ngậm mồi và nâng chì. Trường hợp thời tiết xấu thì chọn phao tròn thân ngắn để tăng độ ổn định trong nước. Khi câu ở các quặng hay đầm khai thác cát thì nên chọn địa điểm câu tại những bờ nước, nơi thường có sóng vỗ.
Ngoài các tiêu chí đã gợi ý ở trên, còn các tiêu chí khác nữa như chọn loại phao theo thời gian (ngày hay đêm), hình thức câu (phao câu lục,…), hay chất liệu để làm nên chiếc phao,…
Hi vọng, những thông tin ở bài viết này giúp bạn hiểu hơn về phao câu cá và có sự lựa chọn phao hợp lý cho từng hoàn cảnh câu của mình! Hẹn bạn ở bài “chọn phao câu lục” kế tiếp nhé!